9 ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý TẠI NGHỊ ĐỊNH 159 VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN TỪ 01/7/2025

01/07/2025
TIN TỨC

Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp 09 điểm đáng chú ý tại Nghị định 159/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 01/7/2025.

1. Người tham gia BHXH tự nguyện được đổi mức thu nhập và phương thức đóng linh hoạt

Từ 01/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện có thể linh hoạt lựa chọn, thay đổi mức thu nhập và phương thức đóng, theo quy định mới tại Nghị định 159/2025/NĐ-CP. 

Theo Điều 4 Nghị định 159, người tham gia BHXH tự nguyện có thể tăng hoặc giảm mức thu nhập làm căn cứ đóng bằng cách nộp tờ khai điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Việc thay đổi phương thức đóng, mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện sau khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã hoàn thành xong phương thức đóng, mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã chọn trước đó.

Căn cứ Điều 6, Điều 8 Nghị định 159 người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, có thể chọn:

  • Đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần;
  • Đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm);
  • Đóng một lần cho những năm còn thiếu nếu đủ điều kiện về tuổi.

Trước 01/7/2025, theo Nghị định 134/2015/NĐ-CPchưa quy định rõ về nộp tờ khai khi có nhu cầu thay đổi mức đóng.

2. Được hoàn trả tiền BHXH tự nguyện nếu chuyển sang BHXH bắt buộc hoặc nghỉ hưu

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 159/2025/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:

- Thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội;

- Chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết;

- Đủ điều kiện và có đề nghị được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 hoặc khoản 9 Điều 141 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Nghị định 134/2015/NĐ-CP trước đó không quy định rõ nội dung hoàn trả khi chuyển hình thức BHXH hoặc nghỉ hưu sớm. Dẫn đến trường hợp người dân phải làm nhiều thủ tục để xin bảo lưu hoặc tính lại.

3. Từ 01/7/2025, người không đủ điều kiện nhận lương hưu vẫn được trợ cấp hằng tháng

Theo quy định mới, người không đủ điều kiện nhận lương hưu nhưng đã đủ 15 năm đóng BHXH, sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng, thay vì chỉ được nhận BHXH một lần như trước.

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 159/2025/NĐ-CP về chế độ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

- Đối tượng áp dụng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Điều 3 của Nghị định này đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động nhưng không đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định tại Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội.

- Điều kiện hưởng là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có đề nghị được hưởng trợ cấp hằng tháng.

- Thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và đủ điều kiện theo quy định khoản 2 Điều này được xác định theo thời gian đóng, mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc mức bình quân tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Nghị định 134/2015/NĐ-CP chỉ quy định điều kiện hưởng lương hưu, không có lựa chọn “trợ cấp hằng tháng” nếu chưa đủ tuổi hoặc không đóng tiếp. Người không đủ điều kiện chỉ có thể rút BHXH một lần hoặc chờ đủ tuổi rất lâu.

4. Tham gia BHXH tự nguyện trước năm 2021, có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 60 - 55

Khoản 2 Điều 11 Nghị định 159/2025/NĐ-CP về quy định chế độ hưu trí đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trong đó, điều kiện hưởng lương hưu như sau:

- Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này.

- Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 65 của Luật Bảo hiểm xã hội.

- Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Như vậy, theo Nghị định 159, người tham gia BHXH tự nguyện trước 01/01/2021 có quyền nghỉ hưu sớm hơn người mới tham gia sau đó.

Nghị định 134/2015/NĐ-CP (điểm a khoản 2 Điều 5) cho phép nghỉ hưu ở tuổi: Nam: 60 tuổi; Nữ: 55 tuổi.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 đã nâng tuổi hưu lên do vậy, nhiều người đã đóng BHXH tự nguyện từ trước bị ảnh hưởng.

                         
Tham gia BHXH tự nguyện trước năm 2021, có thể nghỉ hưu sớm (Ảnh minh họa)

5. Cách tính lương hưu cho người vừa đóng BHXH bắt buộc vừa đóng tự nguyện

Từ ngày 01/7/2025, cách tính lương hưu cho người có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện sẽ được cộng gộp, tính theo mức bình quân thu nhập tương ứng từng giai đoạn.

3. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Screenshot 2025-06-30 085715

Trường hợp người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tham gia bảo hiểm xã hội theo đối tượng theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và i khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo các đối tượng này từ đủ 20 năm trở lên khi tính mức lương hưu hằng tháng thấp hơn mức tham chiếu thì được tính bằng mức tham chiếu.

Nghị định 134/2015/NĐ-CP chỉ đề cập đến cộng dồn thời gian nhưng chưa nêu rõ nguyên tắc tính mức hưởng lương hưu đối với hai hình thức.

6. Chế độ tử tuất với người có cả hai hình thức đóng BHXH

Từ 01/7/2025, trường hợp người tham gia BHXH có cả thời gian đóng bắt buộc và tự nguyện qua đời, thân nhân có thể được nhận trợ cấp tử tuất một lần hoặc hàng tháng, tùy điều kiện cụ thể.

Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 159/2025/NĐ-CP, người có thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện, khi chết thì được xem xét hưởng chế độ tử tuất theo tổng thời gian đã đóng.

- Trường hợp được hưởng trợ cấp hàng tháng: Thân nhân đủ điều kiện theo quy định tại Luật BHXH (tuổi, mức thu nhập, quan hệ gia đình...) sẽ được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng.

- Trường hợp hưởng trợ cấp một lần: Nếu không đủ điều kiện hưởng hàng tháng, thân nhân được nhận trợ cấp tử tuất một lần, tính theo tổng số năm người mất đã đóng BHXH.

Nghị định 134/2015/NĐ-CP không có điều khoản riêng về chế độ tử tuất với người có cả hai loại hình BHXH; Nghị định 115/2015/NĐ-CP chỉ áp dụng với BHXH bắt buộc.

7. Tăng mạnh mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc

khoản 1 Điều 5 Nghị định 159/2025/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện như sau:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định tại khoản 2 Điều 31 và khoản 1 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội, cụ thể:

- Bằng 50% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Bằng 40% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo;

- Bằng 30% đối với người tham gia là người dân tộc thiểu số;

- Bằng 20% đối với người tham gia khác

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng hỗ trợ ở nhiều mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức cao nhất.

Trước 01/7/2025, Nghị định 134/2015/NĐ-CP (Điều 14) quy định mức hỗ trợ:

-Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;

- Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

8.  UBND tỉnh có thể bổ sung hỗ trợ BHXH tự nguyện ngoài mức Nhà nước cấp

Ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách trung ương, UBND cấp tỉnh có thể trích ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhằm khuyến khích người dân tham gia.

Theo đó, theo Điều 5 Nghị định 159 tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn ngoài mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

9. Người hưởng BHXH một lần phải hoàn trả tiền hỗ trợ của Nhà nước

Từ 01/7/2025, người rút BHXH tự nguyện một lần sẽ phải hoàn trả phần tiền Nhà nước đã hỗ trợ, trừ trường hợp được hưởng lương hưu.

Cụ thể tại điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 159 quy định về việc hoàn trả tiền hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội của Nhà nước

- Hoàn trả số tiền Nhà nước đã hỗ trợ tiền đóng đối với người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại các điểm a, b, đ và e khoản 1 Điều 70 của Luật Bảo hiểm xã hội; các điểm a, b và đ khoản 1 Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội và đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 8 của Nghị định này cho ngân sách nhà nước;

- Số tiền hoàn trả bằng số tiền Nhà nước đã hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nghị định 134/2015/NĐ-CP chưa quy định hoàn trả phần hỗ trợ Nhà nước khi rút BHXH một lần.

Trên đây là tổng hợp điểm đáng chú ý tại Nghị định 159 về bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 01/7/2025.

Chia sẻ

Bài viết liên quan