CHẾ ĐỘ KHI CON ỐM – CẬP NHẬT NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI NHẤT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

18/07/2025
TIN TỨC

Chế độ khi con ốm là quyền lợi chính đáng mà người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.


1. Đối tượng, điều kiện được hưởng chế độ khi con ốm

Theo khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này được hưởng chế độ ốm đau nếu chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm.

Các đối tượng trên bao gồm:

(1) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên…

(2) Cán bộ, công chức, viên chức;

(3) Công nhân, viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

(4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;


(5) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương/không hưởng tiền tương.

(6) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

(7) Người lao động tại điểm (1) làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;

(8) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh;

(9) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

(10) Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.


2. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm

Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau trong một năm (từ ngày 01/01 - ngày 31/12) cho mỗi con tối đa là:

- 20 ngày nếu con dưới 03 tuổi;

- 15 ngày nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau của mỗi người theo quy định tên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau nêu trên tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3. Mức hưởng trợ cấp khi con ốm

Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau khi con ốm bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.


Tiền trợ cấp

=

75%

x

Mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ

:

24

x

Số ngày nghỉ


Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày.

Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày.

4. Thủ tục hưởng chế độ khi con ốm

4.1. Thành phần hồ sơ

Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau như sau:

* Trường hợp con của người lao động điều trị nội trú: Nộp bản chính hoặc bản sao của 01 trong các giấy tờ sau đây:

- Giấy ra viện;

- Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;

- Giấy tờ khác chứng minh quá trình điều trị nội trú.

* Trường hợp con của người lao động điều trị ngoại trú: Nộp 01 trong các giấy tờ sau đây:

- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;

- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú;

- Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú.

* Trường hợp con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài 

Nộp các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh thể hiện tên bệnh, thời gian điều trị bệnh do cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ngoài cấp và phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Có bản dịch tiếng Việt được công chứng/chứng thực

- Được hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác)

4.2. Nơi nộp hồ sơ

Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định trên cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Bảo hiểm xã hội.

4.3. Thời gian giải quyết

Điều 48 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau kèm theo hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là toàn bộ thông tin về chế độ khi con ốm mà người lao động cần biết. Rất mong những thông tin mà LuatVietnam cung cấp sẽ giúp ích cho bạn đọc khi làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau khi con ốm.

Chia sẻ

Bài viết liên quan