10 QUY ĐỊNH MỚI VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TỪ 01/01/2026 NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN BIẾT

16/07/2025
TIN TỨC

Từ 01/01/2026, Luật Việc làm 2025 có hiệu lực với 10 quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp như: mở rộng đối tượng tham gia, điều chỉnh mức trợ cấp, nới điều kiện học nghề, rút ngắn thời gian nhận trợ cấp, và quy định doanh nghiệp phải tự chi trả nếu không đóng đủ BHTN.

10 quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp từ 01/01/2026 tại Luật Việc làm 2025, số 74/2025/QH15 sẽ được LuatVietnam tổng hợp, thông tin trong nội dung bài viết dưới đây.

1. Mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025, các đối tượng dưới đây bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, gồm người làm việc theo:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Hợp đồng xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên (thay vì 3 tháng trở lên như trước).
  • Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương từ mức tối thiểu trở lên.
  • Các chức danh quản lý hưởng lương:
  • Quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên;
  • Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc, người đại diện phần vốn;
  • Thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hợp tác xã, liên hiệp HTX,...

Trước 01/01/2026: Luật Việc làm 2013 (số 38/2013/QH13) chỉ yêu cầu tham gia bảo hiểm thất nghiệp với:


  • Người làm việc theo hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên.
  • Không đề cập đến lao động không trọn thời gian hoặc người quản lý doanh nghiệp có hưởng lương.


2. Điều chỉnh các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp

Theo khoản 1 Điều 30 Luật Việc làm 2025, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm:

- Tư vấn, giới thiệu việc làm;

- Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;

- Trợ cấp thất nghiệp;

- Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 30 bổ sung cơ chế linh hoạt trong tình huống đặc biệt:

“Trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm... Chính phủ quy định việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ khác.”

Trước 01/01/2026: Tại Điều 42 Luật Việc làm 2013 quy định các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, gồm:

- Trợ cấp thất nghiệp;

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;

- Hỗ trợ học nghề.

Không có chế độ hỗ trợ cho người sử dụng lao động như luật mới, cũng không có quy định rõ ràng về hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp như khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh.

3. Điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa

Luật Việc làm 2025 giữ nguyên công thức tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng bổ sung trần tối đa mới rõ ràng và quy định lại thời gian hưởng theo hướng cụ thể hơn.

Theo khoản 1 và 2 Điều 39 Luật Việc làm 2025:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng gần nhất.

Tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại tháng cuối cùng đóng BHTN.

Thời gian hưởng được tính như sau:

- Đóng đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng, hưởng 03 tháng trợ cấp

- Sau đó, mỗi 12 tháng đóng thêm, hưởng thêm 01 tháng trợ cấp

- Tối đa hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Luật 2013 không quy định trần tối đa cụ thể bằng lần mức lương tối thiểu vùng như luật mới.

4. Thay đổi điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 01/01/2026

Khoản 1 Điều 38 Luật Việc làm 2025 quy định 4 điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó điều kiện về thời gian đóng như sau:

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng...
- Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng…”

Trước 01/01/2026: điểm b khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013 (số 38/2013/QH13) quy định:

“Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng...”

Như vậy, Luật 2013 không phân biệt loại hợp đồng hay thời gian xét đối với HĐLĐ ngắn hạn, dẫn đến việc áp dụng chưa rõ ràng đối với lao động có thời hạn từ 1-3 tháng.

5. Không đóng đủ BHTN, doanh nghiệp phải tự chi trả quyền lợi cho người lao động

Theo khoản 7 Điều 33 Luật số 74/2025/QH15, trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng thì:

“Phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.”

Điều này áp dụng với các chế độ như: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ học nghề; Tư vấn giới thiệu việc làm; Đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Luật 2013 (Điều 44) chỉ quy định nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Tuy nhiên, không có điều khoản xử lý rõ ràng nếu doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng, nhất là khi NLĐ chấm dứt hợp đồng (Khoản 7 Điều 33 Luật số 74/2025/QH15)


6. Nới rộng điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc

Khoản 2 Điều 37 Luật số 74/2025/QH15 quy định, người lao động không cần đang hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn có thể được hỗ trợ đào tạo nghề nếu:

- Thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điểm a Khoản 1 Điều 38);

- Đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong vòng 12 tháng;

- Không có việc làm và không thuộc các trường hợp đang đi học dài hạn, đang bị tạm giam, đi nghĩa vụ, ra nước ngoài,...

- Đã đóng BHTN đủ từ 09 tháng trở lên trong vòng 36 tháng trước khi nghỉ việc.

Người lao động có thể được hỗ trợ:

  • Học phí;
  • Tiền ăn trong thời gian học;
  • Thời gian hỗ trợ tối đa: 06 tháng.

Luật 2013, chỉ cho phép hỗ trợ học nghề đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã đóng đủ 09 tháng trong 24 tháng gần nhất (Điều 55, Điều 56 Luật số 38/2013/QH13)

Không đề cập chi tiết đến hỗ trợ tiền ăn, điều kiện cụ thể về hồ sơ và thời gian xét duyệt.

7. Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp sớm hơn, chỉ sau 11 ngày

Theo khoản 3 Điều 39 Luật số 74/2025/QH15:

“Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày làm việc thứ 11 kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.”

Điều này đồng nghĩa với việc, người lao động nộp đầy đủ hồ sơ đúng hạn, thì chỉ sau 11 ngày làm việc, họ sẽ được hưởng tiền trợ cấp (nếu đủ điều kiện).

Theo khoản 3 Điều 50 Luật số 38/2013/QH13, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày thứ 16 kể từ ngày nộp đủ hồ sơ. Như vậy, quy trình giải quyết đã được rút ngắn 5 ngày làm việc.

8. Người lao động được chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo khoản 1 Điều 41 Luật số 74/2025/QH15, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có nhu cầu.

Nghĩa là, nếu người lao động chuyển chỗ ở từ tỉnh/thành phố này sang địa phương khác, họ có quyền yêu cầu chuyển nơi tiếp tục nhận trợ cấp.

Việc chuyển nơi hưởng không làm gián đoạn quá trình chi trả trợ cấp nếu người lao động thực hiện đúng thủ tục theo quy định.

Luật 2013 không có quy định nào cho phép người lao động chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp.Theo đó, người lao động bắt buộc phải nhận trợ cấp tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi đã nộp hồ sơ ban đầu.

9. Bổ sung quyền bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

Theo khoản 5 Điều 41 Luật số 74/2025/QH15, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

- Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an, dân quân thường trực;

- Học tập có thời hạn >12 tháng;

- Bị tạm giam, đi cai nghiện, giáo dục bắt buộc;

- Bị tòa tuyên mất tích;

- Ra nước ngoài định cư;

- Chết;
- Theo đề nghị của người lao động.

Đáng chú ý, trường hợp không thông báo tình trạng thuộc các trường hợp trên thì không được bảo lưu.

Luật 2013 có đề cập đến việc bảo lưu nhưng chỉ quy định chung chung tại khoản 4 Điều 53, không liệt kê rõ các trường hợp được bảo lưu cũng không đề cập đến việc NLĐ “đề nghị bảo lưu” là một quyền (khoản 4 Điều 53)

10. Thêm nhiều lý do chấm dứt trợ cấp thất nghiệp

Khoản 4 Điều 41 Luật số 74/2025/QH15 quy định người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp

- Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, Công an nhân dân, dân quân thường trực;

- Hưởng lương hưu hàng tháng;

- Sau 2 lần từ chối việc làm do trung tâm giới thiệu mà không có lý do chính đáng;

- Không thông báo việc tìm việc hàng tháng trong 3 tháng liên tiếp;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Đi học tập có thời hạn trên 12 tháng;

- Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHTN;

- Chết;

- Bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc/cai nghiện bắt buộc;

- Bị Tòa tuyên mất tích;

- Bị tạm giam/chấp hành án tù;

- Theo đề nghị của người lao động.

Luật Việc làm 2013 tại khoản 3 Điều 53 chỉ nêu một số lý do chấm dứt trợ cấp, thiếu nhiều trường hợp cụ thể. Không có mục rõ ràng về: Dân quân thường trực; Xử phạt vi phạm hành chính về BHTN; Đề nghị chấm dứt trợ cấp từ chính người lao động; Đi học tập từ 12 tháng trở lên được tách riêng (Khoản 3 Điều 53 Luật số 38/2013/QH13).


Chia sẻ

Bài viết liên quan